Bốn bề đều có sông nước bao bọc, Bến Tre có một hệ thống đường thủy gồm những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông và cửa Cổ Chiên ), ngược về phía thượng nguồn sông Mekong và một hệ thống kênh, rạch chằng chịt đan vào nhau như những mạch máu chảy khắp ba dải cù lao nên rất thuận tiện cho giao thông vận tải cũng như thủy lợi.
Dừa là loại cây trồng lâu năm chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của Bến Tre. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn Mekong. Diện mạo ấy không ngừng biến đổi và gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển xứ dừa Bến Tre.
Cả nước hiện có khoảng 200.000ha trồng dừa thì Bến Tre là tỉnh dẫn đầu trên cả hai mặt: diện tích (trên 52.000ha) và sản lượng (410 triệu quả/năm). Bến Tre là những cụm cù lao cuối cùng nhận đẫm phù sa của dòng Mekong trước khi chảy ra biển cả, nhờ đó cây dừa cũng xanh tốt hơn, năng suất cao hơn các vùng khác. Ba huyện có diện tích dừa lớn ở Bến Tre là Giồng Trôm, Châu Thành và Mỏ Cày (khi chưa tách huyện, nay là Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc).
Văn hóa sản xuất của cư dân vùng hạ nguồn Mekong – vùng rừng dừa, sông nước Bến Tre
Chúng ta đều biết lao động sản xuất là một thuộc tính rất quan trọng, nó quyết định diện mạo của mỗi nền văn hóa. Dân cư sống trong vùng sản xuất lúa gạo thì việc sản xuất và chế biến các sản phẩm lúa gạo mang những sắc thái riêng. Khác với sản xuất lúa gạo, dân cư vùng rừng dừa – sông nước Bến Tre do hoàn cảnh sinh sống với một môi trường tự nhiên đặc biệt ở vùng hạ nguồn Mekong đã lấy nghề trồng dừa và khai thác chế biến các sản phẩm từ cây dừa cùng với nghề khai thác chế biến các nguồn lợi trên sông nước làm hoạt động sinh sống chủ yếu. Bởi vậy, khi xem xét các hoạt động sản xuất mang tính đặc trưng này của cư dân sống trong rừng dừa – sông nước, chúng ta sẽ nhận diện bản sắc văn hóa thông qua hoạt động lao động sản xuất của người Bến Tre.
Những nghề liên quan đến môi trường rừng dừa đặc trưng của người Bến Tre
Nghề trồng dừa ở Bến Tre, một sắc thái văn minh nông nghiệp đặc biệt: Lưu dân Bến Tre bắt đầu công cuộc khai phá mảnh đất cù lao cửa biển vào khoảng thế kỷ 17, lúc đầu người ta chọn những vùng đất cao ráo, có nguồn nước ngọt, khí hậu ít độc hơn vùng rừng rậm để sinh sống, khai phá cải tạo thiên nhiên.
Vùng đất này có lắm sông, nhiều rạch và độ mặn dao động theo mùa nên việc lựa chọn cây dừa, một loại cây đặc biệt thích nghi với vùng lợ, là một lựa chọn rất phù hợp với môi trường nơi đây.
Khác với cư dân trồng lúa hay đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nông dân trồng dừa ở Bến Tre có một nền văn hóa sản xuất rất đặc trưng được thể hiện ở một số mặt sau đây: Lên liếp trồng dừa là một giải pháp biến rừng hoang đất trũng thành một môi trường lý tưởng để trồng dừa. Việc đào mương lên liếp trồng dừa có thể nói là một trong những lối ứng xử độc đáo của người dân Bến Tre với môi trường sống. Họ đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho cây dừa sinh sống và phát triển, thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch và nuôi thủy sản đồng thời với việc trồng dừa. Nhờ có hệ thống mương cộng với chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa người ta có thể lấy bùn đẫm nặng phù sa để vun đắp cho cây xanh tốt. Và cũng nhờ hệ thống mương mà người ta có thể “lùa dừa” về bến một cách dễ dàng.
Có thể tóm lược quá trình hình thành rừng dừa như sau: Buổi đầu bắt tay trồng dừa người ta đo đạc tính toán kỹ lưỡng về cự ly, mật độ rồi cặm vè (đánh dấu) sau đó đắp những cái mô ở những vị trí đã định. Mô có đường kính độ 1m, khoảng cách giữa các mô khoảng 7,5m là vừa đủ để dừa có thể phát triển tốt. Giữa các mô dừa vẫn có thể trồng màu, cấy lúa cho đến khi dừa trưởng thành. Từ tháng 3 đến tháng 6, cuốc giồng trồng dưa leo, cà tím, khoai lang… Từ tháng 6 trở đi có thể trồng khoai mỡ hoặc ban giồng khoai xuống mà cấy lúa mùa. Phù sa bồi tụ vào các mương khoai, mỗi mùa cứ dày lên. Người ta lấy phù sa đắp lên mô dừa. Mô dừa mỗi năm mỗi cao mỗi rộng hơn cho dừa đủ đất phát triển.
Độ ba, bốn năm sau, khi dừa sắp ra lưỡi mèo (búp hoa), người ta thôi trồng màu trồng lúa mà đào các mương khoai sâu xuống lấy đất đắp nối các mô lại theo hàng dọc đã định tạo thành bờ, tuy còn thấp nhưng đã thành hình dáng của một vườn dừa. Trên bờ đất, người ta tiếp tục trồng xen đu đủ, ớt, cà, dưa leo… Phân, nước bón cho các loại hoa màu cũng chính là bón cho cây dừa.
Ngày nay đi trong rừng dừa không ai có thể hình dung được cái buổi mới trồng dừa. Phải mất nhiều năm phù sa bồi tụ mới có thể biến ruộng thấp thành vườn dừa. Nhờ hệ thống kênh mương mà phù sa có thể vào tận mọi ngõ ngách của vườn. Trước lúc nước ròng có một khoảng thời gian nước đứng, ấy là lúc phù sa lắng lại trước khi nước rút ra để chuẩn bị cho một chu kỳ mới. Trong mùa nước nổi, bao rác rưởi, sâu bọ sẽ bị cuốn đi và nước ngọt rửa phèn mặn làm cho vườn dừa mỗi ngày một xanh tốt.
Diện tích dừa ở Bến Tre mỗi năm tăng dần và nơi đây được gọi là xứ dừa bởi có diện tích và sản lượng dừa cao nhất nước.
Việc chọn giống ươm dừa phải hết sức kỹ càng vì dừa trồng xuống phải 4 – 5 năm mới cho trái, và có thể khai thác trên 50 năm. Nguyên tắc chọn giống theo phương thức “dừa tơ, cau lão”, nghĩa là chọn giống ở những cây dừa tơ độ 10 – 15 tuổi. Dừa mẹ có một gốc to vừa phải không thưa lá, quày dừa sai quả, không bỏ bẹ, tức quày luôn nằm trên bẹ nếu không sẽ bị sút buồng; trái dừa to vừa, vỏ mỏng, cùi dày. Muốn lấy dừa giống đợi dừa qua giai đoạn rám vỏ, cắt nguyên buồng dòng dây xuống đất không được để rơi làm dập quả. Người kỹ tính am tường việc chọn giống thường bỏ những quả đầu và những quả cuối. Còn lại cắt rời từng quả thả xuống nước.Theo kinh nghiệm quả nào “bơi đứng” phần cuống thẳng lên là tốt nhất, sẽ có mọi đặc tính giống cây mẹ. Cũng có người đánh dấu phần nổi lên trên, khi ươm cũng đặt đúng chiều này thì cây mới lên mầm tốt. Dừa giống đặt nơi đất tốt có độ ẩm thích hợp, khi dừa lên mộng độ gang tay, rễ vừa bén đất thì đem trồng. Không nên để quá to khi bứng đi bị đứt rễ, dừa phát triển kém.